Trong khi một vài giáo sĩ Ki-tô giáo đã đi quá xa như Tertullian trong việc xem thường nỗ lực tri thức, thì vẫn có một vài người trung thành với nguyên tắc chung của ông cho rằng các tín điều không nên kiểm chứng bằng lý trí. Thánh Ambrose, tổng giám mục thành Milan trong thế kỷ 4, là một trong số này, cho dù triết học xã hội phóng khoáng và trí tuệ tuyệt đỉnh của ông.

Những người theo thuyết Plato Mới và Boethius

Thật ra, trường phái triết học ngoại giáo duy nhất ở châu Âu đầu thời Trung cổ là trường phái của những người theo thuyết Plato Mới, học thuyết của họ được đề cập trong chương trước. Tuy nhiên, có một nhà tư tưởng khác, không thể phân loại là tín đồ Kitô giáo hay dân ngoại đạo, hoàn toàn có lẽ vì ông là một tín đồ Kitô giáo, mặc dù ông không hề có sự ám chỉ nào đối với Giáo hội hoặc tên Đức Kitô trong tác phẩm chính của mình.

Tên của người này là Boethius, sinh khoảng 480 trong một gia đình quý tộc, Boethius sau cùng trở thành cố vấn chính cho Theodoric, vua Ostrogothic. Sau này ông bất hòa với nhà vua, bị buộc tội phản bội, rồi bị tống giam. Năm 524 ông bị xử tử. Tác phẩm triết học chính của Boethius, ông viết lúc bị giam trong lao tù, tựa đề The Consolation of Philosophy. Chủ đề xuyên suốt tác phẩm này là mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, trong đó tác giả đề cập đến những vấn đề như định mệnh, sự cai trị thế giới của thần thánh, và sự đau khổ của cá nhân.

Sau khi cẩn thận đánh giá từng khái niệm về định mệnh, ông đi đến kết luận rằng hạnh phúc thật sự đồng nghĩa với hiểu biết triết lý rằng vũ trụ thật ra là điều tốt, và điều xấu chỉ mang tính chất biểu kiến. Nêu rõ rằng con người phải chịu những thôi thúc bạo lực hoặc là do đau khổ dằn vặt của sự ăn năn hoặc nhận thấy bản thân mình là nô lệ của sự giận dữ, ông chứng minh rằng thói hư tật xấu không phải là không bị trừng phạt cũng như không phải đức hạnh luôn được tưởng thưởng.

Mặc dù rõ ràng ông chấp nhận sự bất tử của linh hồn, nhưng ông không ám chỉ một niềm tin Kitô nào dứt khoát như một nguồn an ủi. Thái độ của ông về cơ bản là thái độ của người theo Chủ nghĩa khắc kỷ, mang màu sắc thuyết huyền bí Plato Mới. Một vài chuyên luận về triết học ở châu Âu thời Trung cổ phổ biến hơn Consolation of Philosophy của Boethius. Không những sau cùng nó được dịch thành tất cả các thứ tiếng địa phương mà còn rất nhiều phóng tác lấy nó làm cơ sở.

Lịch sử văn học vào đầu thời Trung cổ mang đặc điểm, trước hết là giảm sự quan tâm đối với các tác phẩm văn học Hy-La cổ điển và sau này do sự phát triển tính độc đáo sau cùng mở đường cho sự phát triển truyền thống văn học mới. Vào thế kỷ 5, sở thích tác phẩm văn học hay bằng tiếng Latin bắt đầu giảm. Một số giáo sĩ Kitô được hưởng nền giáo dục trong các trường học ngoại giáo có khuynh hướng bào chữa cho sự gắn bó của mình đối với tác phẩm Hy-La cổ điển, những người khác lên án chúng công khai, nhưng quan điểm thịnh hành là quan điểm của Thánh Augustine.

Vị tổng giám mục xứ Hippo này tuyên bố rằng con người nên tiếp tục nghiên cứu tác phẩm văn học Hy-La cổ điển ngoại giáo, không phải vì giá trị mỹ học hay sự hấp dẫn đối với con người, mà là “nghiên cứu bằng một quan điểm làm cho tài dí dỏm trở nên sắc sảo hơn và thích hợp hơn trong việc tìm hiểu sự huyền bí trong Lời Chúa”9. Ngôn ngữ Latin cũng bị tác động bởi sự man rợ hóa văn hóa dần dần. Nhiều nhà thần học dường như nghĩ rằng đối với tín đồ Kitô giáo việc viết quá hay là thái độ không kính Chúa.

Khi biên soạn các bài bình luận về Kinh Thánh, Đức giáo hoàng Gregory I thú nhận ông cho rằng điều vô cùng không thích hợp khi “ràng buộc Lời Tiên tri trên trời” với các quy tắc ngữ pháp. Do đó, tiếng Latin thời Trung cổ sau cùng bị sai lạc do sự nhầm lẫn bất lực trong thay đổi cú pháp và cách viết chính tả, cũng như việc đưa vào nhiều từ mới trong lời thoại thông dụng thường ngày.

Gần cuối giai đoạn, các thứ tiếng địa phương, phát triển chậm từ sự pha trộn các phương ngữ của các bộ tộc man rợ, bổ sung một số thành phần trong tiếng Latin, bắt đầu được sử dụng trong việc thể hiện thi ca ở dạng thô. Kết quả là sự phát triển văn học mới, đầy sức sống, có được sức đẩy trọn vẹn khoảng thế kỷ 13.

Triết gia Kitô duy lý: Clement và Origen

Nổi bật nhất trong số các triết gia Kitô có thể được mô tả như những người đại diện cho truyền thống duy lý là Clement thành Alexandria và Origen. Cả hai đều sống trong thế kỷ 3, chịu ảnh hưởng sâu sắc của thuyết Plato Mới và Thuyết Ngộ đạo, mặc dù họ không gắn bó triệt để với tất cả các quan điểm của hệ thống này. Không xem thường mọi kiến thức của con người, họ dạy rằng người giỏi nhất trong số các nhà tư tưởng Hy Lạp thật ra đoán được lời dạy của chúa Jésus, và đạo Cơ Đốc nên được cải thiện cho hòa hợp với kiến thức của tất cả xã hội.

Trong khi Clement và Origen không mang tính chất của những người theo thuyết duy lý hiểu theo nghĩa hiện đại, trong chừng mực họ tán thành nhiều suy nghĩ về niềm tin, nhưng dù sao họ cũng công nhận ý nghĩa quan trọng của lý trí, xem lý trí là cơ sở nền tảng của kiến thức cho dù đó là kiến thức tôn giáo hay thế tục đi nữa. Họ phủ nhận quyền năng vô hạn của Chúa và cho rằng quyền lực của Chúa bị hạn chế do tính thiện và hiểu biết của Người.

Họ phủ nhận thuyết định mệnh của nhiều người đối lập và nhất mực cho rằng con người bằng sự tự nguyện của mình sẽ định hình diễn tiến hành động trong khi còn sống trên trái đất. Họ tuyên bố không có vũ trụ cũng như không có bất kỳ thứ gì trong vũ trụ, xưa nay được tạo thành vào thời điểm thích hợp, thay vào đó, quá trình tạo thành mang tính vĩnh hằng, sự vật mới thay thế sự vật cũ trong chuỗi tiếp nối vô tận. Cả Clement lẫn Origen lên án chủ nghĩa khổ hạnh cực đoan của một số đồng đạo nhiệt thành hơn, nhất là, họ than phiền về khuynh hướng của những người như Tertullian xem hôn nhân đơn thuần là hình thức hợp pháp hóa ham muốn nhục dục.

Trái lại, họ công khai tuyên bố rằng tình trạng có vợ có chồng và sinh con là điều cần thiết không những làm cho xã hội tốt đẹp mà còn làm cho chính xã hội được hoàn thiện. Sau cùng, họ cho rằng mục đích của tất cả các hình phạt sau này đều là sự thanh tẩy chứ không phải là trả thù. Do đó hình phạt dưới địa ngục không thể mang tính vĩnh hằng, vì ngay cả người đen tối nhất trong số những người phạm tội sau cùng đều được cứu rỗi. Nếu không phải như thế, thì Chúa không phải là Chúa nhân từ, thánh thiện.

Thâm thúy nhất và có lẽ cũng là người độc đáo nhất trong số các triết gia Kitô thời kỳ đầu là Thánh Augustine. Nói chung trong chừng mực có thể phân loại ông, một mặt, ông ở vị trí giữa Clement và Origen, và mặt khác ông ở giữa Tertullian và Gregory. Mặc dù dám chắc rằng chân lý khải huyền cao hơn lý trí tự nhiên, ông nhận thấy nhu cầu phải có sự hiểu biết tri thức về những gì mình tin tưởng. Sinh năm 354, bố là dân ngoại đạo, mẹ là tín đồ Kitô giáo, Augustine bị giằng xé bởi những xung động mâu thuẫn nhau trong phần lớn cuộc đời mình.

Khi còn trai tráng, ông đã mê thú vui nhục dục, ông cố gắng trốn thoát nhưng chỉ hoài công, mặc dù ông thú nhận trong quyển Confessions rằng nỗ lực của mình không phải lúc nào cũng thành tâm. Thậm chí sau khi đính hôn, ông vẫn không thể cưỡng nổi sự cám dỗ quen với một tình nhân mới. Trong khi đó, khi gần 18 tuổi, ông cảm thấy thích thú với triết học khi đọc quyển Hortensius của Cicero.

Ông chuyển từ hệ thống tư tưởng này sang hệ thống tư tưởng khác, nhưng không thể tìm ra sự thỏa mãn tinh thần trong bất kỳ hệ thống nào. Trong một thời gian ngắn, ông nghĩ đến khả năng có thể của đạo Cơ Đốc, nhưng đạo Cơ Đốc tạo cho ông có cảm giác tôn giáo này quá thô thiển và mê tín.

Kế đến trong 9 năm, ông là tín đồ của Mani giáo Ba Tư, nhưng sau cùng ông nhận thấy niềm tin này đang suy đồi. Sau đó ông chuyển sang tìm hiểu thuyết Plato Mới, và sau cùng, sau khi lắng nghe lời giảng của Ambrose, ông trở lại đạo Cơ Đốc. Mặc dù khi vào đạo ở tuổi 33, Augustine nhanh chóng thăng tiến đảm nhận nhiều chức vụ trong Giáo hội. Năm 395 ông trở thành Giám mục xứ Hippo ở Bắc Phi, ông giữ chức vị này cho đến khi chết vào năm 430.

Trong tư cách một triết gia, Augustine đúc kết nhiều học thuyết của mình từ những người theo thuyết Plato Mới. Ông tin tưởng tuyệt đối vào chân lý tuyệt đối, vĩnh hằng, và kiến thức bản năng mà Chúa đưa vào trí tuệ của nhân loại. Tuy nhiên, kiến thức quan trọng nhất là kiến thức về Chúa và kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Người. Mặc dù hầu hết kiến thức này phải được phát xuất từ sự khải huyền ghi trong Kinh Thánh, nhưng dù sao đi nữa, nhiệm vụ của con người là phải hiểu về nó càng nhiều càng tốt để củng cố niềm tin.

Dựa trên kết luận này, Thánh Augustine phát triển khái niệm nổi tiếng về lịch sử nhân loại như sự phơi bày ý Chúa. Mọi thứ đã diễn ra hoặc sẽ diễn ra tượng trưng cho một tình tiết trong sự thực hiện kế hoạch thần thánh. Toàn bộ nhân loại gồm 2 sự phân chia chính: những người được Chúa chỉ định trước, được hưởng sự cứu rỗi vĩnh hằng cấu thành Thành phố của Chúa, tất cả những người khác thuộc về Thành phố Tại thế.

Kết thúc vở kịch lịch sử này diễn ra cùng với Ngày Phán xét, khi đó một vài người được ban phúc, những người cấu thành Thành phố của Chúa sẽ khoác lên người bộ trang phục bất tử, trong khi tuyệt đại đa số trong vương quốc Tại thế sẽ bị ném xuống lửa địa ngục. Theo Thánh Augustine, đây là toàn bộ ý nghĩa sự tồn tại của con người.

✥ Constantine Đại Đế, Kitô Giáo và một La Mã Cải Đạo✥ Ly giáo Iconoclasm – đế quốc Byzantium✥ Thánh Giáo hoàng Leo Cả, Vị Bảo Trợ Thành Rome

Thần học của Thánh Augustine là một bộ phận không thể tách rời với triết học của ông. Cho rằng mình đã làm như một vị thánh kiểm soát hoạt động của vũ trụ cho đến tận chi tiết nhỏ nhất, lẽ đương nhiên ông nhấn mạnh quyền năng vô hạn của Chúa và ấn định những hạn chế của sự tự nguyện. Vì bản chất của con người là phạm lỗi, nên ý chí phải đấu tranh chống lại thiên hướng làm điều xấu. Mặc dù con người có quyền chọn giữa điều thiện và điều ác, nhưng chính Chúa là người tạo ra động cơ thúc đẩy hoặc “truyền cảm hứng” cho sự lựa chọn ấy.

Vì thế, người đức hạnh phải cám ơn Chúa đã giúp mình có khả năng chọn con đường đức hạnh. Chúa tạo thành thế giới trong hiểu biết rằng một số người đáp lại “lời mời” của thần thánh kêu gọi nên sống cuộc đời thánh thiện, và những người khác phản đối hoặc không chịu hợp tác. Theo cách này, Chúa định trước một phần nhân loại được cứu rỗi và phần còn lại phải bị diệt vong, hoặc nói cách khác, Người lúc nào cũng ấn định số lượng cư dân trong thành phố trên trời.

Không phải Người chọn một số người để được cứu rỗi và gạt bỏ cơ hội được cứu rỗi của tất cả những người khác. Đúng ra, Người biết rõ từ mọi sự vĩnh hằng rằng một số người nào đó không muốn được cứu rỗi. Ảnh hưởng của Thánh Augustine rất lớn. Mặc dù lời dạy của ông được Công đồng Orange sửa đổi chút ít vào năm 529, và các nhà thần học vào cuối thời Trung cổ sửa đổi nhiều hơn, nhưng cho đến nay, ông vẫn được kính trọng như một trong số những nhà tư tưởng quan trọng nhất của Thiên Chúa giáo La Mã. Luther và các nhà Cải cách Tin Lành khác cũng tỏ lòng kính trọng cao nhất đối với ông, mặc dù họ có cách hiểu lời dạy của người hoàn toàn khác hẳn với cách hiểu của những người Kitô giáo trước đó.