Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam nói nước này đã chủ động tự sản xuất vũ khí để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, bao gồm cả “vũ khí chiến lược mang thương hiệu quốc gia”. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc xung đột trên thế giới dường như đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp vũ khí cho đất nước vốn phụ thuộc nhiều vào Nga.

Các cơ sở công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ

Giới thiệu với các đại biểu quốc tế về công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Đại tá Dương Văn Yên cho biết, công nghiệp quốc phòng Việt Nam được ra đời ngay sau khi nước Việt Nam giành được độc lập năm 1945.

Trải qua gần 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đồng hành cùng mọi thắng lợi của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và đang lớn mạnh không ngừng.

Bắt đầu với các xưởng sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật và đến nay đã hình thành được một hệ thống thống nhất các cơ sở nghiên cứu, sản xuất trải dài trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Hầu hết các cơ sở công nghiệp quốc phòng Việt Nam thuộc sở hữu Nhà nước, giao cho Bộ Quốc phòng Việt Nam quản lý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trong đó, Tổng cục công nghiệp quốc phòng là cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ, Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý về công nghiệp quốc phòng trên phạm vi cả nước; đồng thời, quản lý, chỉ đạo các công ty sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị trực thuộc.

Đại tá Dương Văn Yên nhấn mạnh, hiện nay, năng lực của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực.

Chủ trương của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng là đa phương hóa, đa dạng hóa các kênh hợp tác, mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài về sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang.

Nhiều sản phẩm được sản xuất thành công từ kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ hay hợp tác nghiên cứu, sản xuất với các nước như súng, tàu quân sự, ngòi đạn, thuốc phóng, thuốc nổ... Đồng thời, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm quốc phòng do Việt Nam sản xuất.

Chia sẻ về định hướng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng trong thời gian tới, Đại tá Dương Văn Yên nhấn mạnh, Việt Nam chủ động thực hiện phương thức hợp tác quốc tế đa dạng, linh hoạt, đồng bộ cả về chiều rộng và chiều sâu: Chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết, hợp tác cùng nghiên cứu phát triển mẫu vũ khí mới, hợp tác về đào tạo nhân lực, phát triển thị trường quốc tế và xây dựng thương hiệu, xuất khẩu sản phẩm quân sự, lưỡng dụng và sản phẩm kinh tế; tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu trong phân công chuyên môn hoá sản xuất trước hết là các sản phẩm kinh tế và lưỡng dụng...

Tiến tới làm chủ nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới cho lục quân, hải quân, không quân

Thành tựu mà ngành Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đạt được có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các cơ sở Công nghiệp quốc phòng (phần lớn cơ sở nòng cốt do Tổng cục Công nghiệp quốc phòng quản lý).

Với đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ và năng lực dây chuyền công nghệ hiện có, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng có nhiều thuận lợi trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ từ khâu tổ chức nghiên cứu, chế thử đến triển khai sản xuất loạt sản phẩm.

Hơn nữa, sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học công nghệ với sản xuất quốc phòng là nét đặc trưng riêng có của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng so với các đơn vị khác trong toàn quân.

Đại tá, TS. Nguyễn Quang Huy cho biết: Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật cho sư đoàn bộ binh; đáp ứng một phần vũ khí, trang bị kỹ thuật cho Binh chủng Pháo binh, Binh chủng Tăng thiết giáp.

Bước đầu nghiên cứu, sản xuất được một số vũ khí, trang bị kỹ thuật cho Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân và đang xây dựng tiềm lực kỹ thuật, công nghệ tiến tới làm chủ nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới cho lục quân, hải quân, không quân.

10 năm qua, tỷ lệ sản phẩm của các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn đạt khoảng 85%.

Trong đó, chưa đến 20% sản phẩm nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Tỷ lệ nội địa hóa về công nghệ của hầu hết sản phẩm đều đạt trên 80%, nhiều sản phẩm đạt trên 90%.

Theo Đại tá, TS. Nguyễn Quang Huy: Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế giữa nghiên cứu khoa học công nghệ và sản xuất quốc phòng, như: Số lượng sản phẩm của đề tài đã nghiên cứu, chế thử thành công được đưa vào sản xuất loạt “0” chưa nhiều, nhất là các loại vật tư kỹ thuật cho các quân chủng, binh chủng.

Một số dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu, năng suất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất các sản phẩm quốc phòng đòi hỏi độ chính xác, hàm lượng khoa học cao; sự gắn kết giữa viện nghiên cứu với đơn vị sản xuất trong nghiên cứu, chế thử sản phẩm chưa chặt chẽ.

Nguồn lực tài chính cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ còn hạn chế; chưa có nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ về nghiên cứu cơ bản, chủ yếu tập trung vào nghiên cứu ứng dụng; cơ chế quản lý và triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ còn bất cập...

Phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng

Đề cập tới chính sách phát triển theo hướng lưỡng dụng của công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Đại tá Dương Văn Yên cho biết, chính sách này được triển khai đồng bộ theo hai chiều: Một là, đẩy mạnh các lĩnh vực có thế mạnh của công nghiệp quốc phòng để tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Hai là, huy động tối đa năng lực sản xuất, công nghệ của các thành phần kinh tế công nghiệp dân sinh cho các hoạt động công nghiệp quốc phòng.

Qua đó, kết hợp chặt chẽ các cơ sở công nghiệp quốc phòng với các cơ sở công nghiệp dân sinh phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phải tuân thủ yêu cầu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, sẵn sàng huy động, động viên để sản xuất bảo đảm cho nhu cầu quốc phòng khi cần thiết.

Về chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam hiện đại, Đại tá Dương Văn Yên lưu ý, Việt Nam chủ trương xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, đủ năng lực sản xuất được các loại vũ khí trang bị hiện đại, vũ khí chiến lược, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại, nâng cao sức mạnh, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nâng cao tiềm lực quốc phòng.

Trong tham luận của mình, Đại tá Dương Văn Yên cũng đưa ra các định hướng, giải pháp phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam theo hướng lưỡng dụng, hiện đại.

Phần trình bày về nội dung "công nghiệp quốc phòng Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, phát triển theo hướng lưỡng dụng, hiện đại" của Đại tá Dương Văn Yên đã thu hút sự quan tâm và nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.

TPO - Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Chính uỷ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cho biết, Tổng cục sẽ tập trung đầu tư sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại và chiến lược. Trong đó phải hướng tới làm chủ được thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Ngày 16/1, tại Hà Nội, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) tổ chức chương trình gặp mặt các cơ quan báo chí năm 2024, nhằm đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền về ngành CNQP trong năm 2024.

Chủ trì chương trình gặp mặt, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Chính uỷ Tổng cục CNQP, cho biết, năm 2023, Tổng cục đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, có bước đột phá, nhất là trong hiện đại hóa dây chuyền, thiết bị phục vụ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.

Tham dự chương trình có lãnh đạo Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo T.Ư), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Tổng cục CNQP; lãnh đạo, đại biểu các cơ quan báo chí trong và ngoài Quân đội.

Phát huy truyền thống “Đoàn kết - Tự lực - Chủ động - Khoa học”, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động toàn Tổng cục đã và đang tích cực thi đua lao động sản xuất, phấn đấu làm chủ khoa học công nghệ mới; quán triệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh phát triển Công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại; xây dựng Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng tham gia triển lãm các sản phẩm quốc phòng và kinh tế thu hút được sự quan tâm lớn của truyền thông, cộng đồng quốc tế, tướng lĩnh, cán bộ và nhân dân cả nước.

Theo Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, thời gian tới, Tổng cục CNQP sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng, phát triển CNQP theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Năm 2024, Tổng cục tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 2 khâu đột phá “Nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí trang bị” và “Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp” đã xác định trong Nghị quyết của Đảng ủy Tổng cục nhiệm kỳ 2021-2025.

Đồng thời, tập trung vào các chương trình, dự án trọng điểm; nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có tính năng chiến thuật, kỹ thuật cao cho lực lượng vũ trang, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng quân đội hiện đại; sửa chữa, cải tiến phần lớn các loại vũ khí trang bị kỹ thuật có trong biên chế; tập trung đầu tư sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại và chiến lược, trong đó phải hướng tới làm chủ được thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm CNQP.

Bên cạnh đó, Tổng cục tiếp tục đẩy mạnh phát triển những lĩnh vực mũi nhọn trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, tạo sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời từng bước chuyển giao các công nghệ phù hợp cho công nghiệp dân sinh.

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong, phát biểu tại chương trình.

Phát biểu tại chương trình, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong đề nghị Tổng cục CNQP tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với báo Tiền Phong trong việc tuyên truyền về năng lực, tiềm lực ngành CNQP Việt Nam và các gương điển hình trong Tổng cục CNQP, nhất là tuyên truyền về tấm gương của những người trẻ lính thợ nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của bạn đọc cũng như củng cố niềm tin của nhân dân vào năng lực quân sự của đất nước.

Đại tá Trần Phú Mừng - Trưởng phòng Thông tấn - Báo chí (Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị) khẳng định, năm 2023, Tổng cục CNQP đã có những đột phá trong công tác phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo chí trong và ngoài Quân đội.

Đại tá Mừng cũng đề nghị Tổng cục tiếp tục bám sát chỉ đạo của trên để tổ chức thực hiện tốt các hoạt động, sự kiện tiêu biểu của ngành CNQP, đặc biệt là các sự kiện gắn với kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; phối hợp tuyên truyền đậm nét Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.